Monday, May 04, 2009

Tình hình học hành của các cháu

Lâu lắm rồi mẹ không viết nhật ký, có lẽ cũng phải bắt đầu viết trở lại để ông bà có tin tức của các cháu hơn. Nhất là bên này dạo này có nhiều chuyện quá, cả tốt lẫn không tốt cho nên mẹ càng cần viết để sau này Cún Vịt còn đọc lại nữa.

Cún và Vịt vẫn đi học bình thường. Năm nay Cún học lớp 4 tuổi còn Vịt thì học lớp 18-30 tháng. Mẹ muốn Vịt học lớp hai tuổi nhưng vì Vịt sinh vào cuối hè nên các bạn lớn tuổi hơn được ưu tiên vào lớp hai tuổi. Vậy là Vịt học lớp cô Becca (là bạn của mẹ, vì con của cô Becca học cùng lớp với Cún bây giờ), Vịt rất là thích cô Becca nhé và tuần nào cũng chỉ mong đến lớp. Lớp của Vịt có gần 20 bạn (ít hơn lớp anh Cún một chút - có 22 bạn), vì tầm 2 tuổi thì có thể học 1 trong 5 lớp, 2 lớp hai tuổi và 3 lớp bé hơn như Vịt, còn 4 tuổi thì chỉ có hai lớp mà thôi. Lớp Vịt có hai bạn ở năm trước đã học với Vịt, là Zario và Axel (đều là con trai) còn lớp anh Cún thì hơn 2/3 là từ năm trước học cùng anh Cún. Nên cảm giác như anh Cún vẫn học lớp "ấy" còn Vịt thì một lớp mới hoàn toàn.

Bây giờ Vịt và Cún cũng đã biết năm sau sẽ học ở đâu. Mẹ muốn cho Vịt vào lớp ba tuổi cùng cô giáo năm ngoái của Cún, nhưng tiếc là năm nay nhiều bạn gái vào đó quá nên Vịt không vào được, cũng hơi tiếc vì bố mẹ rất thích cô Laura cũ của Cún, vốn là một cô giáo dạy nhảy nữa nên rất phù hợp với con gái, nhưng chắc khả năng vào lớp đó khó hơn. Hiện này cô giáo mới của Vịt sẽ tên là Judy và học thứ 2,3,5, cũng thấy rất hiền và dễ chịu. Một số mẹ bạn Vịt đã từng học cô giáo này thì rất thích cô, trước đây cô dạy lớp 18 tháng, đây sẽ là lần đầu cô dạy lớp 3 tuổi như Vịt.

Cún sẽ bắt đầu học lớp kindergarten- vỡ lòng và là năm đầu tiên ở trường tiểu học. Nhà mình ở Palo Alto là khu trường tốt nên về cơ bản thì các trường đều không có gì phải lo ngại, có hơi academic based (chú trọng vào học và điểm số) thì vẫn ít hơn thành phố khác (ví dụ so với Cupertino có nhiều người Tàu thì họ tập trung dạy chữ và khắt khe cạnh tranh điểm số hơn). Chọn trường cho Cún thì có một số lựa chọn: một là trường đúng tuyến, tên là El Carmelo (trường có một hai cái ảnh ở đây http://www.el-carmelo.pausd.org/) . Ngoài ra có một số trường khác mình có thể chọn bốc thăm xem có vào được không, như sau:

1. Chương trình học bằng tiếng Tây Ba nha, ngay trong khu nhà dân của Stanford. Cún cũng thích trường này (vì học tiếng Tây Ba Nha) nhưng hơi xa nhà mình nên bố mẹ quyết định bỏ qua.
2. Hoover, cách khoảng 1.5 mile (khoảng 2km), gần trường Cún bây giờ (Bid bạn Cún đang học ở đó). Trường này có tiếng tăm là chương trình học hơi nặng hơn, tập trung vào việc học chữ và điểm số hơn các trường khác một chút. Tuy đường đi cũng tiện và không xa lắm nhưng bố mẹ muốn chọn trường có chương trình nhẹ hơn, nên mình cũng không nộp trường này
3. Ohlone: trường này khá nổi tiếng ở thành phố này vì chương trình học dựa vào "học qua chơi" (Play based) và không có bài tập về nhà (cho đến lớp 5). Không có bài tập không có nghĩa là không phải làm gì cả, mà về cơ bản là học theo hứng thú, không bắt buộc (cô giáo sẽ có kiến thức sư phạm cực tốt để thu hút sự tò mò của các cháu và khiến các cháu thích tìm tòi là chính, so với việc bị ép học). Trường này cũng có một điểm đặc biệt là trộn lẫn độ tuổi, tức là lớp vỡ lòng và lớp một học chung, lớp 2-3 học chung và lớp 4-5 học chung. Hơi đặc biệt nhưng hiệu trưởng nói rằng như vậy giúp các cháu có thể trải qua việc mình là học sinh bé nhất, lẫn học sinh lớn hơn trong lớp, sẽ tự tin hơn và có tinh thần giúp đỡ các bạn nhỏ tuổi hơn.
Bố mẹ rất thích trường này và cũng nộp hồ sơ cho Cún, nhưng hơn 500 hồ sơ chỉ nhận khoảng 10% thôi nên cuối cùng Cún không học được trường này. Họ nói sẽ giữ hồ sơ trong danh sách chờ, nếu có chỗ trống thì gọi, nhưng bố mẹ cũng không hy vọng lắm vì bình thường nhà mình ít may mắn trong chuyện bốc thăm.

Thế là cuối cùng Cún lại quay về El Carmelo. Trường này nói chung quy mô vừa phải, lớp vỡ lòng có ba lớp, tối đa 20 cháu/ lớp. Khoảng cách thì cách nhà 1 mile (khoảng 1.5 km) cũng gần, có thể đi bộ hoặc đi xe đạp được khi Cún lớn hơn chút. Mẹ đã đi xem thì cũng thích trường này, lớp học sáng sủa, lớp vỡ lòng có sân chơi riêng, mỗi lớp có một khoảng vườn nhỏ tí xíu mà một hai cái bàn picnic bên ngoài. Sân chơi cũng sáng sủa, tuy hơi ít cây một tí nhưng cũng được, lại nằm hoàn toàn trong khu dân cư nên nói chung yên tĩnh và vắng xe thôi. Hôm qua đã nhận được thư khẳng định của trường là Cún sẽ được nhận học, đầu tháng 6 (1,2) Cún sẽ qua trường một buổi để làm quen với cô giáo (mỗi cháu có khoảng 15 phút nói chuyện) và trong hè có thể trường sẽ tổ chức vài buổi để bố mẹ và các cháu sẽ vào trường năm nay gặp nhau để làm quen. Cuối tháng 8 thì năm học bắt đầu.

Trong khu này , lớp Cún có hai bạn nữa, nhưng cả hai bạn đều chưa đi học năm nay mà sẽ học Young Fives (một dạng kết hợp giữa mẫu giáo và vỡ lòng, giành cho các cháu sinh cuối năm và chưa đủ sẵn sàng để học vỡ lòng). Thông thường người ta kiểm tra các cháu một số yếu tố như khả năng cầm kéo, cầm bút, khả năng tập trung khi ngồi trên thảm cùng các bạn nghe cô giảng bài xem có thể vào học vỡ lòng không, nếu không thì được học Young Fives (bên này khi cô giảng bài thì cô ngồi trên ghế, còn các cháu ngồi dưới đất, trên thảm cạnh nhau để nghe giảng và phát biểu, chỉ các hoạt động khác, như thủ công, viết chữ, chơi trò chơi, v.v. thì sẽ có các khu khác nhau, mỗi khu khoảng hai bàn tròn nhỏ và ghế nhỏ, loại nhỏ vừa với trẻ em, nói chung thiết kế lớp học treo nhiều đồ chơi, nhìn dễ gần và tạo cảm giác thoải mái cho học sinh. Rất khác kiểu ngồi học ở nhà mình là từ bé tí đã bàn quay về bảng, các cháu không di chuyển được nhiều, kiểu ngồi này chỉ đến trung học trở lên mới ngồi như vậy).

Theo cô giáo của Cún hiện nay thì Cún đã sẵn sàng cho học vỡ lòng (5.5 tuổi và các kỹ năng tốt) nên Cún có thể học vỡ lòng được, không cần qua Young Fives. Mẹ cũng nói chuyện với cô nửa tiếng, cô giải thích kết quả đánh giá của Cún (cô ngồi với Cún khoảng 15 phút, cộng với quan sát thêm trong học kỳ một) và trả lời các câu hỏi của mẹ, sau đó mẹ nói chuyện với bố và nhà mình quyết định Cún sẽ học kindergarten. Tất nhiên Young Fives thì tốn kém hơn, khoảng 1000/tháng trong khi học vỡ lòng ở trường công một năm cũng chỉ mất cỡ 2000, sẽ rẻ hơn nhiều, nhưng nếu cần thiết thì bố mẹ cũng phải cân nhắc cho Cún thôi. Rất may là nhà mình Cún sẽ hơn 5.5 tuổi và Vịt sẽ hơn 5 tuổi một chút khi năm học vỡ lòng bắt đầu, nên mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Cún rất phấn khích khi nghĩ đến chuyện sẽ học vỡ lòng, đó sẽ là một trường khác, có nhiều bạn mới hơn. Cô giáo nói về chuyện các bạn sẽ đi học ở các trường khác nhau rất sớm, nên Cún không quá buồn khi sẽ không học với các bạn nữa. Mẹ thấy rất may là trường mẫu giáo của Cún tuy cơ sở vật chất không quá mới, nhưng bù lại cô giáo rất tốt, các bạn tốt, lớp nào cũng nửa trai nửa gái, nên nhìn chung bọn trẻ phát triển toàn diện, tự lập, thích học và thích đến trường, yêu quý cô giáo, về cơ bản chuẩn bị rất tốt cho trẻ có một khái niệm tích cực và hứng thú với việc học tập. Đây là điểm quan trọng nhất vì tuy Cún không nói nhiều tiếng Anh năm trước, nhưng nhờ có môi trường luôn khuyến khích trẻ chơi và hòa nhập, có bố mẹ các bạn cũng rất có kiến thức sư phạm và biết cách chơi với trẻ con (phần lớn các nhà khác mẹ bạn đều đã ở trường này vài năm cho đến cả chục năm, với các anh chị của bạn Cún) nên Cún không hề sợ sệt hay nhát khi đến trường, không hề khóc khi mẹ không đi với Cún hai buổi (năm trước).

Năm nay thì Cún đã nói tiếng Anh rất khá, nghe hiểu nhiều, bạo dạn khi tiếp xúc với các bạn cũng như người lớn nói chung, và rất tự tin, suy nghĩ tích cực. Cún cũng rất thích học vẽ, thích kể chuyện (tự nghĩ các câu chuyện để đọc cho các bố mẹ viết). Từ mùa xuân, cô giáo yêu cầu nửa buổi học tất cả các bạn bắt buộc phải ra ngoài chơi, ngoài ra trước đó có một bố mẹ sẽ dẫn vài bạn ra và tập cho đi scooter (có một tấm ván để đặt một chân lên, có tay cầm như xe đạp, chân còn lại thì đẩy đất để chạy, rất tốt cho luyện thăng bằng). Nhờ vậy mà Cún không chỉ đi xe đạp tốt (xe ba bánh) mà còn bắt đầu đi scooter nhiều hơn và tốt hơn nhiều. Nói chung cả về ngôn ngữ và thể lực thì Cún khá hơn năm trước nhiều, Cún cũng khỏe, không nghỉ ốm ngày nào, chỉ bị cảm ho hai lần gì đó.

Ngoài chuyện học, chơi thì cô giáo còn rèn cho các cháu một số điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, như việc thử các đồ ăn mới cho dù trông nó không hấp dẫn (thử ăn trứng rán màu xanh), hoặc việc không kén ăn, phàn nàn nếu đồ ăn không hợp ý mình - you eat what you get - ăn những gì mình có, v.v. Mẹ cảm thấy Cún lớn lên rất nhiều, tự làm nhiều việc (như mặc quần áo, đi giày, tất khá hơn năm trước), tuy cân nặng không tăng nhiều nhưng bác sỹ cũng nói Cún khỏe mạnh, sức khỏe tốt, chiều cao thì cũng vẫn tăng (hôm rồi đi khám là khoảng 109cm).

Giờ nhà mình chuyển nhà, có sân trước sân sau nên hai anh em chơi bên ngoài nhiều hơn, mới nắng lên mà đã rám nắng trông thấy. Mỗi ngày nếu không mưa Cún và Vịt đều muốn ra ngoài chơi, cả hai anh em đều đã đạp được xe ba bánh vòng vòng trong đường nhà mình (là đường cụt nên rất ít xe ô tô). Ở đầu ngõ thì có một mảnh vườn nhỏ, có một cô ở khu tập thể bên cạnh chăm sóc vườn cũng rất hay nói chuyện với hai anh em, nói chung cũng khá vui vẻ.

Đến thời điểm này thì đã rõ ràng là hai anh em sẽ học lớp nào vào năm sau. Bố mẹ thấy rất mừng vì qua hai năm, các cháu lớn lên, sống tích cực, khỏe mạnh hơn, bạo dạn, yêu thích trường lớp và năm sau cũng sẽ được học trường lớp tốt. Nhà mình mua nhà khu này, vừa đắt vừa cũ vừa nhỏ hơn hẳn so với các nhà khác, sống chật chội hơn nhưng về cơ bản, gần chỗ bố đi làm (bố có thể đi xe đạp khoảng nửa tiếng, đi ô tô thì 10 phút), các con đều gần trường học và học trường tốt, bạn bè tốt nên bố mẹ thấy như vậy cũng là toại nguyện. Hy vọng năm sau các con sẽ tiếp tục yêu thích trường của mình, khỏe mạnh và có nhiều bạn bè tốt.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home